生活 Sinh hoạt

【アルバイト- Baito】Mẹ Việt chia sẻ về kỉ niệm đi làm thêm ở Nhật

Xin chào các gia đình Việt Nam đang sống ở Nhật hay cập nhật tin tức từ trang SODATSU.

Hôm nay, em xin chia sẻ đến cả nhà về kỉ niệm đi làm thêm ở Nhật của em. Em đi theo diện visa gia đình, con em đã gửi đi mẫu giáo nên trong lúc chồng đi làm thì em cũng tranh thủ đi làm thêm cho đỡ buồn và cũng để hiểu thêm cuộc sống ở Nhật. Em mong là chia sẻ của em sẽ trở thành cái để tham khảo cho các chị em nào đang có ý định làm arubaito. 

Các hình thái làm việc ở Nhật 

Mặc dù các chị em mới sang sẽ chủ yếu làm Arubato là chính nhưng em vẫn sẽ giới thiệu đến mọi người tất cả các hình thái làm việc ở Nhật. 

正規社員 (Nhân viên chính thức toàn thời gian)

Ở hình thái này, công ty sẽ kí hợp đồng vô thời hạn với người lao động. Có nghĩa là chỉ cần mình không gây ra hậu quả nghiêm trọng trong công việc thì sẽ chẳng ai đuổi việc mình cả trừ khi là công ty quá có khăn cần cắt giảm nhân sự. Thậm chí, các chị em có thể làm đến khi về hưu luôn nên cực kì ổn định. Mặc dù trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, phải làm thêm sau giờ làm nhiều hơn nhưng thu nhập và các khoản trợ cấp sẽ tốt hơn các hình thái làm việc khác. Nhìn chung, để “nuôi” một 正規社員, công ty sẽ phải bỏ ra rất nhiều chi phí nên họ cần tính cam kết lâu dài của người lao động. 

契約社員 (Nhân viên hợp đồng toàn thời gian)

Do “nuôi” một nhân viên chính thức tốn rất nhiều chi phí nên ở nhiều công ty, họ sẽ có hình thức nhân viên hợp đồng toàn thời gian. Từ hình thức này trở xuống, nhân viên sẽ được trả lương theo giờ làm nên những tháng nào mà có nhiều ngày nghỉ thì thu nhập sẽ bị ảnh hưởng theo. Nhìn chung, nội dung công việc và mức độ trách nhiệm của 契約社員 bằng hoặc gần bằng với một 正規社員, chỉ là cách trả lương khác mà thôi. Tất nhiên, họ cũng có các khoản trợ cấp tuỳ thuộc vào mức đãi ngộ của công ty nhưng sẽ không bao giờ bằng mức trợ cấp của 正規社員. Thêm vào đó, nếu công ty muốn nhân viên tiếp tục làm việc tiếp thì phải gia hạn sau khi hết hợp đồng.  

パートタイム (Nhân viên hợp đồng bán thời gian)

Hình thức này giống với 契約社員 ở chỗ đều phải gia hạn hợp đồng sau khi hết nhưng thời gian họ làm trong một ngày sẽ ít hơn 正規社員 hoặc 契約社員. Các chị em nào mà vừa phải làm việc vừa phải nuôi con thì họ sẽ chọn hình thức này để được về sớm đón con. Chính vì số giờ làm ngắn hơn nên những nội dung công việc họ được giao cũng sẽ ít áp lực hơn, đơn giản hơn để khi họ có nghỉ đột xuất đi nữa thì công ty cũng không bị ảnh hưởng. 

アルバイト (Nhân viên thời vụ)

Hình thức làm việc này chỉ theo mùa, vụ hoặc chỉ làm một số ngày trong tuần với một số giờ nhất định. Có những visa chỉ được làm 28 tiếng/tuần thôi nên những người bị giới hạn số giờ làm như vậy sẽ chọn hình thức アルバイト. Vì chỉ làm một số ngày trong tuần và không được quá 28 tiếng nên những công việc mà họ được giao là những thao tác mà dễ dàng được thay thế bởi người khác khi họ nghỉ.   

派遣 (Nhân viên đi qua công ty môi giới) 

Khác với 4 hình thức làm việc trên là kí hợp đồng trực tiếp với công ty tuyển dụng, ở hình thức 派遣 này, các chị em sẽ phải kí hợp đồng với công ty môi giới và nhận lương từ họ. 

Trong 派遣 cũng sẽ chia ra những việc toàn thời gian phải cam kết từ 3 tháng trở lên cho đến những việc có thể chọn tự do tuỳ vào hoàn cảnh của người lao động. Các công ty 派遣 còn có hình thức nhận lương theo ngày hoặc theo tuần nếu người lao động muốn.

Công việc toàn thời gian cần cam kết lâu dài từ 3 tháng trở lên

Việc làm dạng này thì có rất nhiều từ làm trong nhà máy cho đến ngồi máy tính trong văn phòng. 

Công việc có thể chọn ngày làm và giờ làm tuỳ ý 

Hiện nay, nhiều công ty môi giới đã phát triển app để người lao động có thể book việc qua điện thoại. Có nghĩa là trong tuần, mình rảnh ngày nào là book ngày đấy đi làm thôi nên vô cùng tiện lợi. Trong tất cả công ty 派遣 thì em hay book việc ở エントリー nhất vì họ có app. Việc mình cần làm chỉ là đến kí hợp đồng lao động với họ rồi cứ lướt app mà book việc phù hợp thôi. 

Tuy nhiên, nếu mình chỉ book việc theo những ngày mình rảnh thì lựa chọn công việc cũng sẽ hạn chế hơn. Chủ yếu sẽ là những việc thao tác các công đoạn đơn giản mà ai cũng có thể làm được như là bốc vác, chia tách, đóng gói, dán nhãn v..v..

Những công việc kiểu này thường sẽ không được trả chi phí đi lại nên các chị nhớ kiểm tra kĩ rồi quyết định có đăng kí hay không nhé.

Các công việc phù hợp tuỳ theo năng lực tiếng Nhật


Trình độ
Công việc phù hợp
N1 trở lênDịch thuật, bán hàng có kèm tư vấn, gia sư, thậm chí có thể làm nhân viên không chính thức trong các công ty lớn.
N2Bán hàng (quần áo, điện thoại,  nhà thuốc, nhà sách, những việc lặt vặt trong văn phòng như là nhập liệu). 
N3Đứng combini, phụ bếp, gọi món hoặc thu tiền ở quán ăn, Nhân viên tính tiền trong siêu thị và các công việc khác.   
N4・N5Khuân vác, chia tách hàng hoá, dán nhãn, đóng gói bao bì hàng hoá, dọn vệ sinh ← Nói chung là những việc không cần giao tiếp nhiều.

Tất nhiên, bảng ở trên chỉ để tham khảo. Nếu chị em nào mà tiếng chỉ ở mức N2 hoặc gần bằng N2 nhưng lại có chuyên môn thì vẫn hoàn toàn có thể tìm được những việc cho N1. 

Nhìn chung, công việc càng không yêu cầu tiếng thì nó càng vất vả. Điển hình như đi chia tách và bốc hàng trong các xưởng thì sẽ phải đứng và đi lại liên tục nhiều giờ đồng hồ. Cứ xác định 1 điều là ngày đầu đi làm về thì bàn chân sẽ đau thậm chí không thể đi lại với một dáng đi bình thường. 

Em có chơi với một cặp vợ chồng Việt có chồng đang học tiến sĩ, vợ đang làm 契約社員. Ngày nghỉ, vì muốn có thêm một ít thu nhập nên anh chồng đã có ý định đi làm bốc vác ở Yamato. Ngày đầu tiên đi làm về cũng là lúc nằm bẹp một chỗ. May mà đăng kí theo kiểu book việc ngày rảnh qua app chứ nếu mà đăng kí làm アルバイト cố định các ngày trong tuần thì không có đủ sức khoẻ mà làm luận văn tiến sĩ nữa. 

Mặc dù việc có nặng mấy thì làm nhiều rồi thì sẽ quen thôi nhưng các chị em nên xem xét kĩ tình hình sức khoẻ của mình rồi quyết định chọn việc gì. Tốt nhất, hãy cố gắng học giỏi tiếng để có thể vào được những chỗ đỡ vất vả mà thu nhập cao hơn.

Kinh nghiệm cá nhân

Em sang Nhật khi trình độ tiếng mới chỉ ở mức N4 nên cũng đã phải bắt đầu từ những công việc nặng lương không cao. Nhờ sự giúp đỡ của một cô bạn người Nhật biết nói tiếng Việt, em đã đăng kí làm nhân viên 派遣 theo kiểu trong tuần trống ngày nào thì book ngày đó qua app vì ngày thường em phải học tiếng Nhật. Khi mới sang đây lạ nước lạ cái, chính cô bạn tốt bụng ấy đã dẫn em đến các buổi hướng dẫn của các công ty 派遣 để kí hợp đồng lao động.  

Chia tách hàng hoá

Công việc đầu tiên em làm chính là chia tách và bốc vác ở Yamato vì đây là công việc không cần tiếng. Hiện nay, có rất nhiều du học sinh Việt Nam làm việc tại đây để có tiền trang trải. 

Em còn nhớ như in ngày đầu đến nhận việc, sau khi mặc quần áo bảo hộ trang bị tận răng, em được sắp xếp vào công đoạn nhận hàng hoá trên băng chuyền để chia vào các thùng chứa hàng. Ví dụ như hàng hoá ghi số 1 ở nhãn dán thì em biết là phải tự động xếp vào thùng số 1 và tương tự với các số khác. 

Ở mỗi một công đoạn như thế sẽ có 1 nhân viên người Nhật làm leader. Các nhân viên アルバイト hoặc 派遣 khác phải nghe theo chỉ thị của leader. Vì tốc độ băng chuyền rất nhanh nên mình phải nhặt nhanh và xếp nhanh vào thùng. Cũng chính vì công việc đòi hỏi sự phản ứng nhanh và một khi đã xếp nhầm là không biết phải sửa như thế nào nên nhiều leader rất là cục súc. Lúc đầu em bị mắng rất nhiều nhưng sau đó làm quen rồi thì cũng ổn. 

Vào dịp Tết cũng là lúc các đơn vị logistic làm việc full công suất vì người ta tặng quà cho nhau rất nhiều. Cái băng chuyền chỗ em đứng còn liên tục nhận được các kiện hàng nặng ơi là nặng như là thùng táo, gạo, bia lon v..v.. Dù hàng nặng đến đâu thì mình cũng chỉ có 2~3 giây để xếp nó ngay ngắn vào các thùng được chỉ định. Có một lần em được đứng cùng dây chuyền với một cô bé du học sinh quê Ninh Bình. Em ấy người vừa còi vừa thấp nhưng có thể một lúc 2 tay vác 2 thùng táo siêu nặng như bế lợn con ấy các chị em ạ. Ngoài ra còn có một bé là học sinh cấp 3 người Nhật đi làm thêm phụ gia đình sau giờ học. Leader dây chuyền đó là một cô trung niên người Nhật với vóc dáng lực điền – em còn ngỡ như với sức vóc ấy thì cô ấy còn cân được cả thế giới cơ. 

Nói chung, ở Yamato, các chị em sẽ được đứng cả ngày và bốc vác không nghỉ giây phút nào nên những người có sức khoẻ kém thì nên cân nhắc kĩ hoặc là làm thử mấy ngày xem sức chịu đựng có tăng lên không. Nếu thích nghi được thì mới nên tính đến chuyện làm lâu dài nhé ! 

Dán nhãn và tập kết hàng

Công việc thứ 2 của em là dán bar code vào các thùng hàng được chỉ định rồi tập kết đủ số lượng được yêu cầu đến khu vực được chỉ định. Vì đây là công việc phải đọc được những dòng tiếng Nhật ghi trên nhãn dán nên em có N4 rồi mới đủ tự tin để đăng kí. 

Công ty này cách ga tàu 30 phút đi ô tô nên có xe bus đưa đón nhân viên tại ga. Họ làm về thực phẩm nên yêu cầu nhân viên phải đội mũ để che cho tóc không rơi xuống và găng tay chuẩn bị phải được giặt sạch trước đó. Vì kho hàng tương đương với nhiệt độ trong tủ lạnh nên chúng em phải chuẩn bị áo ấm giữa mùa hè nóng nực. Trước khi vào xưởng, em phải chấm công vào máy của họ. Khi bước vào xưởng, người lao động sẽ phải thực hiện 朝礼 (tập thể dục, hô to khẩu hiệu về an toàn lao động, vệ sinh v..v..) rồi mới được phân công đi đến các nhóm mà leader người Nhật đã chờ sẵn để phổ biến công việc. 

Em được phát 1 danh sách các miếng dán barcode có ghi thông tin hàng hoá  phải tập kết. Đây là công việc không cần mang vác nặng nhưng phải di chuyển xe đẩy liên tục trong xưởng để chất hàng lên xe. Các chị em cứ tưởng tượng đến việc mình được tập thể dục free trong xưởng bằng cách … đi bộ liên tục 8 tiếng đồng hồ là sẽ phần nào mường tượng được công việc của em :D. Được cái nhà xưởng sạch sẽ và mọi người ở đấy cứ thấy người mới đang gặp khó khăn là sẽ giúp đỡ nhiệt tình nên em rất thích làm ở kho này.    

Đóng gói sản phẩm

Nếu các chị em đi siêu thị mà thấy các loại hoa quả, rau được đóng gói trong một túi, thùng thì em đã từng làm việc đóng gói đó trước khi hàng được chuyển đến siêu thị để tiêu thụ. Đây cũng là công việc không cần tiếng vì chỉ cần nhìn những người khác làm rồi bắt chước theo thôi. 

Cũng giống như công việc trên, vì đây cũng là liên quan đến thực phẩm nên người lao động cần trang bị mũ che tóc, khẩu trang và một đôi bao tay bảo hộ lao động đã được giặt sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài đóng gói thực phẩm ra thì em còn từng được đóng gói quần áo, giầy dép, đồ chơi. Đây là công việc chỉ cần làm quen là sẽ làm rất thoăn thoắt và rất chuẩn luôn mọi người ạ !   

Làm công việc văn phòng

Sau khi trình độ Tiếng đã đủ ở mức có thể đọc thông viết thạo, em đã đăng kí một công việc アルバイト về nhập liệu vào thứ 4, 5, 6 hàng tuần. Công việc của em là tiếp nhận những tờ đăng kí viết tay rồi nhập nó vào hệ thống dữ liệu của công ty. Mỗi lần nhập là hơn trăm tờ đơn, khách nào chữ đẹp thì còn biết họ viết cái gì để mà nhập theo chứ khách nào mà chữ như mấy con giun đang nhảy vũ điệu hoang dã thì hoang mang tột độ luôn ạ ! Nhập liệu là một công việc yêu cầu tính cẩn thận rất cao vì chỉ cần nhập sai 1 chỗ nào đó trong địa chỉ hoặc số điện thoại thì sẽ rất nguy to ạ. 

Ngoài nhập liệu thông tin khách hàng ra thì còn có những việc như là nhập liệu kế toán. Đặc biệt, vào các dịp cuối năm mà các công ty bắt đầu chốt doanh thu và lợi nhuận là các phòng kế toán sẽ hoạt động hết công suất nên họ sẽ tuyển thêm アルバイト hoặc 派遣 để giúp họ những công việc đơn giản nhưng vô cùng mất thời gian – nhập liệu.  

Trông thi JLPT 

Kì thi JLPT diễn ra 2 lần 1 năm là dịp để hội đồng thi tuyển アルバイト hoặc 派遣 để làm công tác trông thi, thu bài, hậu cần v..v.. Thường họ sẽ lấy người từ các công ty 派遣 vì đây là một sự kiện không thể xảy ra dù chỉ là một sơ suất nhỏ. 

Khi biết mình được gọi đi làm, em đã phải đi từ sớm với một trang phục chỉnh tề (áo vest đen, chân váy, tất chân và giày không hở mũi) như một người đang tham gia hoạt động tìm việc. Nếu giờ làm bài bắt đầu từ 10h thì nhân viên điều phối hoạt động phải có mặt từ khoảng 6h30 sáng để làm công tác chuẩn bị. 

Công việc em được giao là phát, thu đề thi, kiểm tra xem mặt thí sinh có khớp với thẻ gai và thông tin đăng kí không và các việc trợ giúp khác. 

Sau khi có kinh nghiệm trông thi JLPT thì em cũng từng đăng kí cả những việc như là trông thi lấy chứng chỉ tiếng Anh. 

Tạm kết 

Nói chung, trên đây là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của em nên không thể tránh khỏi có nhiều điểm chưa được đề cập. Mong là bài viết của em giúp ích được cho các chị em mới sang và đang có ý định tìm việc. Đi làm sớm cũng rất tốt nhưng các chị em nhớ nâng cao cả khả năng tiếng của mình để có nhiều lựa chọn trong việc làm nhé !